Sóng điện từ tần số cao có thể gây vô sinh, bằng chứng là những quân nhân làm việc tại các trạm radar có thiết bị cũ, rò rỉ sóng rất hay bị hiếm muộn. Loại sóng này cũng đang bao vây cả người dân bình thường, từ TV, tủ lạnh, máy tính, điện thoại di động, lò vi sóng...
Gần đây, người dân ở nhiều nơi tại Hà Nội liên tiếp "kêu cứu" trước tình trạng các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lắp đặt các trạm thu phát sóng ngay trong khu dân cư, vì cho rằng sóng điện từ sẽ gây hại cho sức khỏe của họ. Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, nỗi lo sợ này không phải là vô căn cứ, vì rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh sóng điện từ tần số cao ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
|
(Ảnh: Flickr) |
Sóng điện từ khi đi qua cơ thể sẽ khiến cho các tế bào tự cọ xát với nhau mà sinh nhiệt; nhiệt lượng có thể lớn đến mức làm sôi dịch thể và hấp chín các tế bào (các lò vi sóng hoạt động theo cơ chế này). Với liều rất cao, sóng điện từ có thể gây hại cấp tính. Chẳng hạn một công nhân đang sửa radar, đứng ngay trước bộ phận phát sóng; nếu một người khác không biết, vô tình bật máy, công nhân này sẽ ngất xỉu ngay lập tức. Nếu liều thấp, hoặc khoảng cách không đủ gần, tác hại của sóng từ có thể tích tụ lâu ngày và ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sinh sản, tim mạch, thị giác.
Một số nghiên cứu trong nước cho thấy nhân viên bưu điện làm việc ở khu vực phát sóng, kỹ thuật dễ bị rối loạn sức khỏe với biểu hiện da dẻ không tươi tắn, luôn mệt mỏi, ăn uống kém, mất ngủ, trí nhớ giảm. Còn khảo sát trong quân đội cho thấy nhân viên radar có tỷ lệ hiếm muộn cao.
Trái đất cũng là một vật thể phát ra sóng điện từ. Sự "chu đáo" của tạo hóa giúp con người có sẵn khả năng thích nghi với loại sóng từ tự nhiên này. Mặt khác, ở mức độ vừa phải, sóng từ cũng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị điện trong gia đình khiến con người hiện phải sống giữa làn sóng từ dày đặc, và chúng không thể không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu con người không biết tự bảo vệ.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, các nước phát triển đều đề ra các tiêu chuẩn về sóng điện từ trong khu dân cư và khu công nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam đến nay chỉ mới ban hành tiêu chuẩn ở môi trường làm việc mà chưa hề có quy định nào về liều lượng sóng điện từ cho phép ở các khu dân cư. Trong khi đó, các trạm thu phát sóng điện thoại di động ngày càng mọc lên nhiều, thậm chí ở ngay sát nhà dân. Theo "đặt hàng" của một số gia đình sống gần trạm thu phát sóng tại các khu Linh Đàm, Định Công, Mỹ Đình (Hà Nội), Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường đã đo sóng điện từ trong và ngoài nhà họ, kết quả là liều lượng vẫn nằm trong giới hạn an toàn (theo khuyến cáo của thế giới). Tuy nhiên, kết quả này không làm cho người dân và cả các chuyên gia yên tâm vì nó chỉ mang tính cá biệt.
Đến nay, ở Việt Nam chưa từng có một khảo sát chính thức nào về sóng điện từ trong khu vực dân cư, vì vậy không ai khẳng định được rằng những người dân sống gần các trạm thu phát sóng điện thoại di động, phát thanh, truyền hình không đối mặt với nguy cơ ung thư, vô sinh, đục thủy tinh thể... Mặt khác, ngay cả khi có khảo sát và kết quả là liều lượng sóng từ quá cao thì cũng rất khó ép chủ nhân các trạm này khắc phục vì tiêu chuẩn chưa hề được ban hành.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hải cho rằng, hiện nay, với thiết bị kỹ thuật hiện đại, không bị rò rỉ sóng, nguy cơ ở nhân viên kỹ thuật ở nơi thu phát sóng không cao như trước. Nhưng với người dân, mối nguy hại đang ngày một lớn do bị bủa vây bởi vô số làn sóng điện phát ra dày đặc và rất gần trong không trung. Bức xúc về điều này, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường đã chính thức kiến nghị Bộ Y tế tiến hành nghiên cứu đánh giá cụ thể về ô nhiễm điện từ tần số cao (sóng vô tuyến viễn thông) và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đô thị. Viện cũng đề nghị Bộ sớm xây dựng tiêu chuẩn về bức xạ điện từ trường trong khu vực dân cư.
Cách hạn chế tác hại của sóng điện từ
Mọi đồ điện đều phát sóng điện từ, ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào cường độ, tần số và khoảng cách. Trong đó, chỉ có khoảng cách là yếu tố mà chúng ta có thể làm chủ được. Vì vậy, cách tốt nhất là tránh xa những nơi phát sóng từ, nhất là những trạm điện cao thế (từ 220 KV trở lên), vì sóng từ ở đây rất mạnh. Khi đường dây 500 KV Bắc-Nam mới xây dựng, đã có một nghiên cứu về ảnh hưởng của nó đối với người dân và công nhân sống xung quanh, kết quả là không có nhiễm độc từ cấp tính. Nhưng về tác hại lâu dài thì chưa hề có khảo sát. Vì vậy, tốt nhất là không nên làm nhà gần khu vực điện cao thế, khoảng cách tối thiểu là 7 mét.
Không nên cho trẻ em dùng điện thoại di động vì sóng của nó có thể ảnh hưởng đến sự phát dục, nhất là cơ quan sinh sản. Với người lớn cũng không nên để thiết bị này trên giường nằm. Nam giới nên bỏ thói quen cho điện thoại di động vào túi quần.
Lò vi sóng cũ, bị hở cần được thay thế, không nên tiếc vì sóng trong lò này ảnh hưởng rất mạnh đến con người. Cửa lò đều có một tấm lưới sắt giúp hấp thu sóng từ, tuy nhiên nếu cửa hở thì sự an toàn sẽ không còn nữa. Để an toàn, tốt nhất là không đứng sát lò khi nó đang chạy, cũng không ghé mắt vào xem thức ăn trong đó vì vi sóng có thể hủy hoại thủy tinh thể.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hải cũng khuyên mọi người không nên quá lo sợ về tác hại của sóng điện từ ở những vật dụng gia đình, vì cường độ của chúng không cao, nếu thiết bị mới, không hỏng hóc thì chúng an toàn. Mặt khác, cường độ của sóng từ giảm rất nhanh theo khoảng cách.
Hải Hà