Một bé gái 4 tuổi ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, gần đây liên tục sốt cao. Để hạ nhiệt cho con, cha mẹ bé liên tục dùng khăn lau thấm cồn 75% và gạc ướt. Nào ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, bé gái tái nhợt, nôn mửa, được chẩn đoán ngộ độc rượu và tổn thương chức năng não, phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Mẹ của bé gái cho biết, những ngày gần đây, bé gái liên tục sốt cao, thấy cồn mát nên cô và chồng thay nhau dùng bông gòn nhúng cồn để lau, chườm ướt người và trán cho bé, mỗi khi bé sốt cao sẽ lau. Nào ngờ con gái lại nhanh chóng tái nhợt, nôn mửa và không còn sức lực.
Hoảng sợ, hai vợ chồng đưa con gái đến bệnh viện để kiểm tra, bác sĩ phát hiện vùng đồi thị của bé bị sưng nhẹ, nghi ngờ bệnh não chuyển hóa hoặc bệnh não nhiễm độc. Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận bé ngộ độc rượu và chức năng não bị tổn thương, phải vào phòng chăm sóc đặc biệt ngay.
Sau hai ngày điều trị tích cực, cuối cùng bé gái cũng tỉnh lại và dần hồi phục. Các bác sĩ kiểm tra lại các chỉ số và xác nhận bé qua cơn nguy kịch, không có vấn đề gì lớn ngoài việc nói chậm, không rõ di chứng có phục hồi không.
Bác sĩ sau đó chỉ ra rằng rượu có thể thấm qua da, sử dụng quá nhiều có thể gây dị ứng, thậm chí ngộ độc rượu cấp tính, khuyến cáo không nên sử dụng các bài thuốc dân gian để hạ sốt.
Ngoài ra, còn có một số phương pháp hạ sốt mà cha mẹ không nên thử như dùng aspirin, thuốc hạ sốt quá nhiều và ép buộc đổ mồ hôi.
Đối với trẻ sốt nhẹ, các chuyên gia khuyên trước tiên nên lau rửa bằng nước ấm, tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao hơn 39 độ và vẫn sốt sau khi dùng thuốc hạ sốt, trẻ có các triệu chứng như suy nhược, khó thở liên tục, đau nhức không chịu nổi, nôn mửa, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp càng sớm càng tốt.